Nỗi khổ của cha mẹ Việt Nam tại hải ngoại

Đây không thể nói là chuyện ngỗ nghịch, hỗn láo, bất lịch sự thỉnh thoảng có thể xảy ra ở bất cứ đứa trẻ nào đang lúc bị bực bội hoặc đang tức tối vì một lý do nào đó.

Hành vi nói trên trở thành một vấn đề thật sự khi nó xảy ra quá thường xuyên và càng ngày càng có khuynh hướng trầm trọng thêm hơn.

Đứa con bất hiếu trở thành mối đe dọa thường trực đối với cha mẹ và không khí gia đình lúc nào cũng trở nên căng thẳng và rất nặng nề.

Đối với các gia đình Việt Nam sống tại hải ngoại cũng còn cần phải nói đến vấn đề thiếu sự đồng cảm do khoảng cách thế hệ generation gap gây ra.

Chênh lệch về tuổi tác cộng thêm sự dị biệt giữa hai nền văn hóa Đông và Tây cũng thường là những nguyên nhân dẫn tới sự va chạm giữa cha mẹ và con cái.

Cha mẹ thì khư khư muốn ôm giữ những giá trị đạo đức của nền văn hóa Khổng Mạnh lấy chữ hiếu làm đầu. Con cái lớn lên, học hành và trưởng thành tại xứ người, hấp thụ nền văn hóa Tây phương, rất thực tiễn và coi trọng chủ nghiã cá nhân, nên sự thông cảm giữa cha mẹ và con cái đôi lúc không thể như sự mong muốn của mọi người được.

Rồi còn phải nghĩ đến cơn khủng hoảng tuổi vị thành niên (teenage crisis) nữa. Trong giai đoạn nầy cô chiêu hay cậu ấm có thể nổi chứng lên bất tử khiến cha mẹ không biết đâu mà rờ và cũng đôi khi muốn khùng luôn theo tụi nó.

Có người đổ thừa rằng con hư là tại cha mẹ không biết dạy dỗ, cưng chiều quá mức. Đúng, nhưng vấn đề nhân sinh nầy không đơn giản như vậy mà nó còn vượt xa hơn ra ngoài phạm vi tôn giáo, và giáo dục gia đình nhiều lắm.

Nói chung người VN tị nạn thuộc thế hệ thứ nhứt sống tại hải ngoại ít có vấn đề do con cái gây ra như các gia đình dân bản xứ da trắng. Phải chăng con cái của chúng ta đã cảm thông được những khổ cực và nhọc nhằn mà cha mẹ chúng phải hy sinh gánh chịu để lo cho chúng có được một tương lai tươi sáng như ngày hôm nay.

Nếu lỡ có xảy ra chuyện gì không đẹp mắt thì tâm lý cố hữu của người mình là tốt khoe, xấu đậy nên cũng không ai có thể biết được tầm quan trọng của vấn đề cha mẹ bị bạo hành nó như thế nào. Chuyện bị con cái ngược đãi là chuyện vô cùng xấu hổ và nhục nhã đối với các bậc cha mẹ.

Các quốc gia Tây phương trước kia, cũng như VN, họ xem vấn đề cha mẹ bị con cái bạc đãi như một điều cấm kỵ tabou cần phải che đậy lại và không nên bàn luận đến. Nhưng từ những năm gần đây, tư duy có thay đổi nên tình hình có khác đi.

Ngược đãi cha mẹ già là một vấn nạn trong nhiều gia đình ngày nay.

Ngày nay, chuyện cha mẹ già bị ngược đãi đã trở thành một sự thật trong mọi gia đình cũng như trong bất cứ một xã hội nào.

Đối với người Việt Nam mình, thì đây là một vấn đề cấm kỵ, không nên bàn luận vì nó chẳng có tốt đẹp gì khi nói ra.

Người già VN thường bị kém năng lực, yếu sinh ngữ nên mọi thứ, mọi việc đều phải nhờ cậy, tùy thuộc vào người khác và vào sự giúp đỡ của con cháu họ.

Bởi vậy đôi khi bị đối xử không được tốt đẹp nhưng các cụ cũng ngậm đắng nuốt cay bỏ qua và có khi còn tìm cách bào chữa và tha thứ cho con cháu của họ nữa.

Không ít người già đôi khi không biết là họ đang đã bị ngược đãi.

Thế nào là bị ngược đãi

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (2002) sự bạc đãi là:

Khi một hành động (hay không có hành động thích hợp), một cử chỉ hay một thái độ khác thường nào đó xảy ra hoặc được lập đi lập lại nhiều lần trong bối cảnh cần có sự tính nhiệm và tạo cho người cao tuổi sự thiệt thòi và khủng hoảng.

Ngược đãi người già có thể được biểu lộ qua nhiều hình thức khác nhau:

1) Về thể xác: xô, đẩy, bóp mạnh tay, kềm giữ chặt chẻ, lắc mạnh, liệng chọi đồ đạc, ép buộc ăn uống, nhốt trong phòng, cố ý quên, không săn sóc, bắt cụ phải chờ đợi rất lâu để giúp đi vào phòng vệ sinh, dằn vặt mạnh đồ đạc.

2) Về tâm lý: không thèm để ý đến cụ, trừng mắt, nói lớn tiếng, cất cao giọng, ăn nói cọc lóc, chê bai, chỉ trích, khiếm nhã, chế ngạo, hâm dọa, xem các cụ như một đứa con nít, hạ nhục, bôi bác niềm tin và sự tín ngưỡng của cụ, làm tổn tương tới bản sắc và giá trị con người của cụ, nói lời bần tiện, hạ thấp phẩm giá, tuổi tác và mức độ tự chủ của cụ trong cuộc sống.

3) Về tình dục: bị sách nhiễu, sờ mó, bóp, hoặc các cụ có thể là nạn nhân của « tình trạng khoe của » (exhibitionniste), trưng ra cho cụ nhìn, cụ bà bị hiếp dâm. Các cụ có thể bị chế ngạo khi muốn bày tỏ hay bàn luận về vấn đề tình dục của mình.

4) Về tiền bạc: có thể xảy ra dưới nhiều hình thức.

Chẳng hạn như bòn rút tiền bạc, nữ trang, đồ đạc. Làm áp lực với cụ trong việc chia gia tài.

Ngoài ra các cụ là những con mồi dễ bị kẻ gian mạo nhận qua điện thoại bảo phải gởi gấp một số tiền nào đó vì con của cụ bị tai nạn ở xa.

– Bị dụ đem tiền đầu tư gian lận, hoặc đầu tư chính đáng nhưng không thích hợp với hoàn cảnh của cụ.

– Bị lường gạt từ người thân trong gia đình mà cụ rất tin cậy.

– Bị kè gian mạo nhận tên tuổi rút lấy tiền trong ngân hàng.

– Bị ép buộc sử dụng thẻ tín dụng một cách không thích hợp.

– Bị bòn rút lấy lén tiền bạc khi cụ ủy quyền procuration cho một người thân nào đó lo việc quản lý sổ trương mục ngân hàng của cụ.

– Các cụ thường là con mồi của các dịch vụ mua bán bằng điện thoại telemarketing.

– Các người già là mục tiêu của kẻ gian vì các cụ sống lẻ loi, vì tuổi tác cao, vì bệnh hoạn, trí não kém, vì thiếu sự quan tâm của gia đình.
Người già thường bị ngược đãi.

** Các cụ thường hay bị người lạ mặt ngược đãi.

Trả lời: Sự thật các cụ thường bị ngược đãi bởi chính người nhà, người mà cụ quen biết và tin tưởng.

**Nếu bị ngược đãi, các cụ liền tố cáo ngay.

Trả lời: Thật ra các cụ bị xâu xé giữa tình cảm của cụ đối với kẻ đã ngược đãi cụ và lòng mong muốn tố cáo người đó. Về mặt tâm lý học, các cụ có thể đang sống trong tâm trạng bị lệ thuộc (dépendance) đối với người ngược đãi cụ.

**Nguy cơ bị ngược đãi tùy thuộc vào mức lợi tức và tiền bạc mà cụ có.

Trả lời: Ngược đãi có thể xảy ra cho bất kỳ ai, bất kỳ ở giai cấp nào trong xã hội.

Hậu quả của vấn đề ngược đãi người già

– Tạo cho các người già một cảm giác lo sợ, khiến họ tìm giải pháp cách ly, sống ẩn dật, và gây trở ngại cho các cụ trong việc tham gia vào những sinh hoạt xã hội.

– Tạo cho cụ cảm giác bất an.

– Tự khép mình lại

– Dẫn đến bệnh lo âu anxiété

– Trầm cảm dépression- lẫn lộn, nhầm lẫn trí nhớ confusion

Chuyện đáng buồn: các cụ chọn giải pháp chấm dứt cuộc đời.

Ngoài ra vấn đề tự tử ở lớp người từ 64 tuổi đến 75 và những người từ 75 tuổi trở lên thường bắt nguồn từ tình trạng cô đơn, kế đến là lý do xung khắc trong đó phải kể đến vấn đề bị ngược đãi.

Ngược đãi người già là một hiện tượng không mới mẻ gì trong xã hội ngày nay. Nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và có liên quan đến tất cả mọi người.

Nhưng đau đớn nhất là hầu như đa số chúng ta đều coi thường nó.

Mọi người đều nhắm mắt lại và cố ý ngoảnh mặt làm ngơ, kể cả một số người già.

Họ không muốn chấp nhận một sự thật đau lòng và cũng không muốn nhìn nhận họ là nạn nhân của việc ngược đãi đến từ bên trong gia đình.

Đó mới thật sự là điều đau đớn nhất

Chuyện bên Pháp

Tại Pháp càng ngày càng có nhiều bậc cha mẹ bắt đầu ra khỏi bóng tối một cách e dè để nói lên sự thật về tình huống mà họ là nạn nhân từ bấy lâu nay.

Theo các nhà chuyên môn, thì khó mà phát họa ra được hình ảnh mẩu (portrait robot) của một đứa trẻ hung dữ như thế nào cũng như cha mẹ nạn nhân của chúng ra sao.

Vấn đề con cái bạo hành cha mẹ thường hay thấy xảy ra trong những gia đình neo đơn theo kiểu gà mái nuôi con (single mom, monoparental). Thường thì ngưòi mẹ bắt đầu nếm mùi bạo hành từ những đứa con (trai hoặc gái) của mình khi chúng còn rất nhỏ tuổi.

Các đứa trẻ nầy thường lớn lên trong bối cảnh con cưng được nuông chiều tột bực chẳng khác nào con của vua chúa (enfants rois).

Cha mẹ vì thương con một cách mù quáng nên không ấn định rõ rệt những ranh mức nào mà đứa trẻ cần phải dừng lại.

Thông thường thì bạo hành đã nhen nhúm từ lúc đứa bé còn rất nhỏ tuổi (9-10 tuổi) nhưng cha mẹ lại sơ ý không thể nhận biết các dấu hiệu từ trước được.

Theo nhà phân tâm học Jean Pierre Chartier, những trẻ em nầy đã được nuôi nấng trong một không khí loạn luân” có nghĩa là chúng cảm thấy các ý muốn của chúng đều được được cha mẹ thỏa mãn từ lúc chúng còn thơ ấu và đầy quyền lực.

Rồi bất thình lình một lúc nào đó, trong giai đoạn nhạy cảm nhất của tuổi choai choai, một biến cố nào đó làm thay đổ tình hình chẳng hạn như bà mẹ muốn bước thêm một bước nữa với một người đàn ông nào đó, thế là cậu ấm hay cô chiêu không thể chấp nhận được. Người mẹ không còn cách nào khác là phải cầu cứu đến cơ quan chánh quyền để nhờ được giúp đỡ: như xin cho đứa con được chữa trị thérapies, trợ cấp xã hội cho đứa con, hay gởi nó vào trại giáo hóa nếu có bạo hành thể xác.

Nếu đứa con đã đạt tuổi trưởng thành pháp lý, 18 tuổi, cha mẹ có thể đuổi nó ra khỏi nhà hoặc thưa nó ra trước pháp luật. Thế là chấm dứt tình nghĩa mẹ con hay cha con.

Sau đây là tóm lược những điều nhận xét:

*Bạo hành thể xác (violence physique) 11% đối với các cháu gái và 9% đối với các cháu trai.

*Bằng cách nào: thường nhất là « xô, đẩy » ông bô bà bô, 6% trường hợp liệng, chọi vật gì đó, có lẽ chọi vào tường cho đỡ tức, 1% đe dọa bằng vủ khí như dao chẳng hạn.

*Đặc biệt con gái thường tấn công bà mẹ, con con trai thì hay tấn công người cha.

*Bạo hành tinh thần: 45% cô cậu choai choai nhìn nhận là họ có chửi thề, nói nặng lời đối với cha mẹ mình nhưng thường nhất là đối với người mẹ ( có lẽ bà má hay lải nhải, bắt bẻ từng li từng tí, quá chi tiết khiến mấy đứa con dễ bực mình đổ quạu, nên phản ứng lại).

*Khảo cứu cho biết thường những vụ bạo hành đều phát xuất ra từ những lý do vô duyên lãng nhách chẳng hạn như: bà già muốn mua cho mình một cái quần trong Zeller, WalMart (tiệm quá bình dân) nhưng cô con gái không bằng lòng, rồi đôi co phải quấy với bà mẹ thế là chiến tranh nổi lên.

*1 trên 10 bậc cha mẹ đã từng là nạn nhân của bạo hành về thể xác. Đây cũng tương tợ một số liệu thăm dò của phía Hoa Kỳ.

Cha mẹ không đi thưa thì chánh quyền không thể can thiệp được.Theo nhà nước, thì không đi thưa có nghĩa là hành động của đứa con không có gì nguy hiểm hết và có thể chấp nhận được. Thật ra, là cha mẹ sợ xấu hổ, sợ nhục nhã, mắc cỡ nếu họ làm rùm beng lên.

Theo lối suy nghĩ thường tình trong xã hội, thì một đứa trẻ không thể là mối đe dọa cho cha mẹ được, chỉ có cha mẹ bất tài và thiếu trách nhiệm mà thôi.

Bởi lý do nầy mà cha mẹ phải sống triền miên trong vòng lẩn quẩn của bạo hành mà không có cách nào để thoát ra khỏi nó được.

Trường hợp có thưa gởi của cha mẹ vì họ bị hành hung hoặc có đe doạ đến tính mạng, cảnh sát có thể bắt giam đứa con ngay và gởi cậu ta vào các trung tâm giam giữ trẻ em phạm tội.

Nhưng thường đây chỉ là trường hợp đối đế lắm mà thôi.

Càng lệ thuộc vào con cái càng có vấn đề!

Tầng lớp người già càng ngày càng gia tăng thêm lên mãi nên và một số các cụ chọn giải pháp được sống ở nhà để được gần gũi với con cháu.

Không ít cha mẹ già hải ngoại không muốn, cũng như không dám tách rời xa con cháu vì vấn đề ngôn ngữ và tiền bạc. Từ trước tới giờ, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong vấn đề giao dịch với người bản xứ da trắng, các cụ đều phải nhờ vào con vào cháu để thông dịch và giải quyết. Sống tại hải ngoại trên 30 năm nhưng nhiều cụ cũng chưa nắm vững sinh ngữ giao dịch tối thiểu…

Nay tuổi già sức yếu khiền nên các cụ càng thêm hốt hoảng. Càng lệ thuộc vào con cháu (tình cảm, tiền bạc, săn sóc, giúp đỡ, thông dịch )…) thì càng sinh ra nhiều vấn đề mâu thuẩn và đụng chạm với lớp trẻ. Con cháu cũng có gia đình riêng của chúng, cũng có nhũng khó khăn, bực bội trong đời sống, trong công ăn việc làm của tụi nó…Bám hoài theo tụi nhỏ thì làm sao mà được, mà buông con cháu ra thì sợ.

Có nhiều đứa con vì thương cha mẹ, vì “chữ hiếu”, vì thiếu tự tinh, không đủ bản lĩnh quyết định cuộc đời mình, nên vẫn sống lây quây, ăn bám bên cha mẹ được ngày nào hay ngày đó, để được khỏe….

Thời gian qua mau. Rồi tụi nhỏ cũng phải già đi. Gái lỡ thời, trai ế vợ là chuyện thường xảy ra trong nhiều gia đình VN.

Bởi vậy…

Một số cha mẹ già thức thời, chọn giải pháp nhà già hay viện dưỡng lão nursing home là thực tế và hữu lý hơn hết. Đây là nói trong bối cảnh các cụ sống tại hải ngoại mà thôi.Còn tình hình người già bên nhà sống ra sao, người gõ không được rõ lắm, nhưng biết chắc chắn, dù cho ở bên nhà hay tại hải ngoại… là mình cần phải có tiền càng nhiều thì càng tốt…

Theo tác giả, tại hải ngoại, hầu như đa số cha mẹ già VN thường có khuynh hướng muốn con cái ở gần mình, nhưng tụi nhỏ thì ngược lại. Chúng muốn tự lập, và ở xa để được tự do, đỡ bực bội, rắc rối, đỡ phải nghe ý kiến thế nầy thế nọ mỗi khi chúng muốn làm hay không làm một việc gì.

Giới trẻ đôi khi bị cha mẹ trách móc, bắt lỗi chúng thế nầy thế nọ, so sánh chúng với con cái người khác, cố tình làm cho chúng có mặc cảm tội lỗi v,v…Một vài cảm nghĩ của con cái VN tại hải ngoại  đối với cha mẹ

« Với cha mẹ tôi, rõ ràng là ổng bả còn mang tâm thức  của Việt Nam. Ổng bả muốn con cái mình học y khoa hoặc lãnh vực khoa học về sức khỏe. Nếu mình không làm theo như ý, ổng bả xem đó là một sự thất bại. Và ổng bả tối ngày đem mình ra so sánh với con của người khác… Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì ổng bả đang hạ giá trị mình xuống. Chắc chắn là trên một bình diện nào khác, cha mẹ mình ước mong điều tốt đẹp cho mình, nhưng khi mình không có khả năng là mình không thể làm được. Chấm hết! »

«Ổng bả đem so sánh mình một cách không thương tiếc với người khác. Việc đó làm mình rất bực bội vì mình lúc nào cũng cảm thấy bị đặt trong tình trạng phải tranh đua, và lúc nào mình cũng vẫn là người thua cuộc hết »

«Vâng, chúng tôi có với nhau một mối quan hệ rất tốt đẹp ngoại trừ việc Ba Má tôi còn mang nặng cái đầu óc, cái tâm thức quá Việt Nam hoàn toàn khác biệt với tâm ý của dân bên nầy. Cái gì cũng gắt gao, cũng đều bị ổng bả kiểm soát hết, những khi tôi nói thật sự tất cả bất cứ chuyện gì. Một mặt khác, tôi không muốn làm xúc phạm đến cha mẹ tôi, và làm họ phải buồn lòng. Nói chung thì nó như thế đó, đó là một vấn đề thuộc về quyền tự do

«Cha mẹ tôi thuộc về một thế hệ khác. Về mặt sinh hoạt, tôi thường ham đi chơi với bạn bè khiến ổng bả rất bực mình. Những chuyện như thế lúc nào cũng làm ổng bả khó chịu hết »

Ở đâu cũng thế mà thôi

Cho dù chọn giải pháp nào đi nữa các cụ cũng vẫn có thể là nạn nhân của sự ngược đãi và bạo hành từ người thân trong gia đình hoặc từ nhân viên chăm sóc trong các nhà già.

Đó có thể là sự ngược đãi về tinh thần (thiếu lễ độ, đóng mạnh cửa, nói nặng nói nhẹ, nhục mạ, chê bai, chửi bới, xiên xỏ, xem các cụ như con nít), về tình dục, về thể xác (xô, đẩy, mạnh tay mạnh chân…), bỏ mặc các cụ trong phòng, trên ghế, không nói năng đếm xỉa đến các cụ, không thay tã lót, lợi dụng về tiền bạc và v,v…Thưòng thì các cụ không dám tố cáo các hành vi trên vì sợ bị trả thù.

Riêng đối với một số người thân trong gia đình thì họ cũng xem thường việc nầy không có gì là quan trọng lắm.

Các cụ rất buồn khổ và chỉ còn biết khóc thầm mà thôi.

Đây là một vấn nạn trong xã hội ngày nay nhưng ít người có can đảm đề cập đến.

Một vấn nạn rất phổ biến hiện nay tại hải ngoại là chim bay trở về tổ. Việc làm khó khăn, không có tiền, tình duyên lận đận là những nguyên nhân chính để cô chiêu cậu ấm quay về nhà cha mẹ để ăn ở trong một thời gian…

Sống chung với cha mẹ già thế nào cũng có đụng chạm.

Thường là bà mẹ vì thương con như hồi chúng còn trẻ nên bà gánh vác hầu như tất cả mọi chuyện. Từ nội trợ, lo cơm nước, dọn dẹp phòng ngủ mỗi ngày cho con cái vv… Mẹ làm với một tấm lòng bao dung.

Nếp sinh hoạt thường lệ của cha mẹ già vì vậy bị xáo trộn và con cái ở tạm cũng cảm thấy « mất tự do » và không được thoải mái như lúc chúng ở riêng muốn làm gì thì làm. Chúng cũng sinh bực bội, khó chịu…

«Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình».

Các nhà xã hội đều nhấn mạnh đến vấn đề mâu thuẩn thường hay xảy ra khi cha mẹ già sống chung vối con cái đã trưởng thành rồi. Các cụ khó có thể tận hưởng tuổi già một cách thanh bình và trọn vẹn được. Con cái ở chung với cha mẹ mãi mãi thì sẽ khó trưởng thành và mất tánh tự lập đụợc. Mọi việc từ nhỏ tới lớn đều ỷ lại vào cha vào mẹ.

Sưu Tầm

 

Bạn đang xem: Nỗi khổ của cha mẹ Việt Nam tại hải ngoại