Bệnh tật và biến đổi sinh lý thường gặp ở người cao tuổi
1. Những biến đổi sinh lý thường gặp ở người cao tuổi
Những thay đổi sinh lý do tuổi là không thể tránh khỏi và không thể thay đổi. Sự thay đổi này rất đa dạng, khác nhau giữa các đối tượng và các cơ quan bộ phận trong cùng một cơ thể.
Nhận biết sự biến đổi sinh lý trên các cơ quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
1.1 Biến đổi của hệ tim mạch
Những biến đổi trên hệ tim mạch của người cao tuổi gồm:
- Tim của người già to hơn so với người trẻ tuổi và chiếm một diện tích lớn hơn trong lồng ngực: Mặc dù kích thước tim ở người già tăng nhưng lại giảm tổng thể khối lượng chức năng cơ tim, áp lực tống máu cũng giảm dẫn tới giảm khối lượng tuần hoàn, giảm tưới máu nuôi dưỡng cơ quan.
- Các van tim trở nên xơ cứng hơn do tình trạng canxi hóa, ngăn cản khả năng đóng khít của những van tim, có thể nghe thấy tiếng thổi sinh lý hay bệnh lý.
- Hệ thống các nút (nút xoang, nút nhĩ thất) phát xung điện điều chỉnh nhịp tim cũng thường bị ảnh hưởng bởi những biến đổi giải phẫu của tim, dẫn tới những nhát bóp sớm và gây loạn nhịp tim. Tuy nhiên, tình trạng này không thường xuyên và không kèm theo mệt mỏi, khó thở.
- Huyết áp tâm trương ở người già thường thấp, do khả năng co giãn của cơ tim yếu, giảm áp lực buồng tim khi nghỉ. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.
- Sức cản hệ ngoại vi tăng và hoạt động các van tĩnh mạch hoạt động kém: Tình trạng này làm cho máu ở ngoại vi về tim khó khăn hơn, gây ứ đọng tuần hoàn ngoại vi.
1.2 Biến đổi hệ hô hấp
- Phổi ở người cao tuổi có xu hướng kém đàn hồi, hạn chế chức năng trao đổi khí và giảm dung tích sống.
- Khả năng nhận oxy vào máu động mạch ở người có tuổi cũng giảm, làm ảnh hưởng tới việc cung cấp oxy cho mô cơ quan.
- Giảm số lượng các lông mao trên bề mặt đường dẫn khí: Những cấu trúc lông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người già phản ứng lại trước các dị vật đường thở như thức ăn, tạo phản xạ ho tống dị vật. Số lượng lông mao thường giảm nhiều hơn nếu có hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói bụi.
1.3 Biến đổi hệ da, lông, tóc móng
- Da của người già thường mỏng và dễ bị tổn thương: Số lượng mô dưới da giảm khiến da dễ bị khô và mất khả năng đàn hồi làm da hiện nhiều nếp nhăn. Sự xuất hiện các nếp nhăn liên quan tới thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong suốt cuộc đời một người, nhất là trong những năm đầu tiên của giai đoạn lão hóa.
- Các tuyến mồ hôi cũng giảm hoạt động dẫn tới lượng mồ hôi được tiết ra ít hơn làm cho da khô, dẫn tới rách da dù lực tác động nhỏ và khó liền hơn.
- Móng tay và móng chân của người già trở nên dày, giòn vì vậy khó khăn trong việc tự chăm sóc móng tay, chân cho bản thân mình.
- Tóc người già có thể bạc màu và mỏng mức độ thay đổi của từng người khác nhau: Một vài người có thể rụng tóc, rụng lông không phải do yếu tố di truyền mà do sự thay đổi hormone.